BÀI 30: NGHỆ THUẬT PHỎNG VẤN

Lượt xem: 0

Nếu bằng cấp hay hồ sơ bạn gửi trước cho công ty là “vé vào cửa” của bạn để tiến tới vị trí mà nhà tuyển dụng đang có nhu cầu tuyển thì buổi phỏng vấn chính là “vòng loại” quyết định bạn có được nhận vào vị trí đó hay không. Vậy làm sao để có một buổi phỏng vấn thành công, khiến nhà tuyển dụng ấn tượng và có nhu cầu muốn tuyển bạn thì ngoại trừ những kiến thức và kinh nghiệm bạn đã chuẩn bị sẵn hoặc có sẵn thì ấn tượng đầu tiên hay các kỹ năng mềm của bạn là yếu tố rất quan trọng để quyết định bạn có thành công trong cuộc phỏng vấn này hay không.

Dưới đây là một số “mẹo” mà Taobaoexpress đã tổng hợp để giúp có một buổi phỏng vấn thành công và như ý:

      1. Bạn nên xác nhận thời gian và cảm ơn lời mời phỏng vấn

      2. Nên đến phỏng vấn sớm ít nhất 15 phút hoặc tránh trường hợp đến muộn hoặc sát giờ phỏng vấn mới đến

     Trong trường hợp bạn có việc đột xuất bất khả kháng thì bạn cần gọi điện báo cho nhà tuyển dụng xin phép đến muộn hoặc dời lịch phỏng vấn lại có được hay không

     3. Ăn mặc nghiêm túc và trang điểm nhạt. Tránh trường hợp ăn mặc không nghiêm túc, trang điểm quá đậm sẽ không gây được thiện cảm từ ánh nhìn đầu tiên và nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn không coi trọng công việc này

     4. Bạn phải tự tin, bạn phải nghĩ rằng đây là cuộc trao đổi giữa bạn và nhà tuyển dụng xem có phù hợp với nhau hay không. Công ty có quyền không tuyển bạn nếu cảm thấy bạn không phù hợp và bạn có quyền từ chối công ty nếu bạn cảm thấy không phù hợp

     5. Ngoài ra, trước khi đến phỏng vấn bạn cần tìm hiểu về công ty bạn chuẩn bị phỏng vấn và vị trí bạn đến apply để tăng thêm tính tự tin cho bản thân tránh trường hợp khi phỏng vấn sẽ bị bối rối và rơi vào thế bị động.

     6. Một số câu hỏi của nhà tuyển dụng:

Dưới đây là một vài câu hỏi phỏng vấn thường gặp mà nhà tuyển dụng thường hay hỏi và kèm theo là những gợi ý giúp bạn chuẩn bị thật tốt câu trả lời của mình trước buổi phỏng vấn.

 
Hãy nói về bản thân bạn?
     Trả lời – ( câu trả lời của bạn nên tập trung vào những kĩ năng và kiến thức mà bạn có hơn là kể về cuộc sống riêng tư). Hãy nói về nghề nghiệp hiện tại của bạn, những kinh nghiệm bạn đã có trong các công việc trước đây, điều gì đã thúc đẩy và tại sao bạn lại thích công việc này. 

- Điểm mạnh của bạn là gì? 

   Trả lời - Chuẩn bị đưa ra những dẫn chứng hoặc chứng minh điểm mạnh của bạn là gì. Hãy nói về kĩ năng bán hàng của bạn, cách bạn đàm phán với khách hàng; cách bạn phát triển việc kinh doanh và tuyển dụng những nhân viên mới cho công ty. Bạn có khả năng làm việc tốt dưới áp lực và sở hữu những kĩ năng tổ chức tốt hay không. Bạn có phải là người năng động không? Có thể bạn sẽ tạo nên sự hòa hợp một cách nhanh chóng và có được những kĩ năng giao tiếp hoàn hảo. 

- Những thành tựu mà bạn đã đạt được trong sự nghiệp của mình cho tới thời điểm này là gì? 

     Trả lời – chọn những thành tựu liên quan đến công việc càng gần đây nhất càng tốt. Một vài dẫn chứng có thể là sự thành công trong công việc hoặc những mục tiêu đạt được và có khả năng được tiến cử vào thành viên trong ban quản trị của công ty. Trúng thầu cho một hợp đồng mới, hoặc mang về cho công ty những khách hàng quan trọng. Sự thăng tiến nhanh chóng trong công ty trước đây. 

- Những điểm yếu của bạn là gì? 

    Trả lời – một lỗi thường thấy là bạn nói bạn không có điểm yếu nào cả - điều này chỉ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ bạn nhiều hơn và nó có thể vô tình làm cho bạn trở thành người tự cao tự đại. Cố gắng chỉ đề cập đến một điểm yếu “ tốt ” và nó cũng có thể sẽ trở thành điểm mạnh của bạn, chẳng hạn “ tôi gặp khó khăn khi phải làm việc với những người thiếu trách nhiệm trong công việc; tiêu chuẩn làm việc của tôi rất cao và tôi cho rằng người khác cũng phải làm việc tương tư như tôi. Tôi đang học cách nói thẳng và yêu cầu người khác đóng góp nhiều hơn nữa trước khi tôi cảm thấy giận dữ bởi lượng công việc mà họ làm không tương xứng với lượng công việc của tôi”. 

- Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ và bạn nghĩ thế nào về công ty cũ của mình?

    Trả lời:   Đây là câu hỏi mà hầu như nhà tuyển dụng nào cũng hỏi trong các cuộc phỏng vấn. câu hỏi này sẽ giúp nhà tuyển dụng bạn sẽ không mang đến căng thẳng hay mâu thuẫn cho công ty họ, ngoài ra, họ còn muốn biết liệu bạn có thực sự nghiêm túc khi nhảy việc không hay chỉ đơn giản là bạn vẫn đang trong quá trình thử nhiều công việc khác nhau.

Bạn cần có cách trả lời thông minh và không bị”mất lòng” nhà tuyển dụng như:

Bạn muốn thay đổi môi trường làm việc để học hỏi nhiều kinh nghiệm, phát triển bản thân tốt hơn, có cơ hội thăng tiến tốt hơn,…. Hoặc bạn có thể trả lời là “lý do cá nhân” cách trả lời này sẽ an toàn với bạn tuy nhiên nó sẽ chưa tạo cảm giác “thỏa mãn” đối với nhà tuyển dụng nên bạn cần lưu ý khi sử dụng.

Một điều cần lưu ý là bạn tuyệt đối không được nói xấu về công ty cũ, sếp cũ hay đồng nghiệp cũ của bạn vì nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy bạn không tôn trọng công việc của mình. Thay vì nói xấu hay có thái độ không tốt bạn nên có những nhận xét tích cực về công ty cũ và không nên đi sâu vào tình hình kinh doanh hay bí mật kính doanh của công ty cũ

 - Mức lương bạn mong muốn được bao nhiêu?

     Trả lời: Nếu trong tin đăng tuyển có mức lương thì bạn nên đàm phán mức lương trong khoảng mức lương công ty đăng tuyển là hợp lý nhất. Tuy nhiên có một số tin đăng tuyển không có mức lương thì bạn có thể hỏi lại họ :”Anh chị có thể cho em hỏi mức lương mà anh chị có thể chi trả ở vị trí này là bao nhiêu được không?” nếu họ trả lời thì bạn có thể yêu cầu mức lương trong khoảng mức lương nhà tuyển dụng trả và hỏi thêm về chế độ đãi ngộ của công ty đối với vị trí này hay không. Còn nếu nhà tuyển dujnh không nói mức lương cho bạn thì bạn có thể dựa vào mức lương của công việc cũ để đưa ra một mức lương hợp lý.

Trên đây là những lưu ý và lời khuyên khi bạn đi phỏng vấn xin việc, hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích giúp bạn có một buổi phỏng vấn xin việc thành công.