Các Phương Thức Thanh Toán Quốc Tế

Lượt xem: 4914

Thanh toán quốc tế là công đoạn khiến nhiều người còn băn khoăn thắc mắc xem có phương pháp nào để tránh những rủi ro, tránh lừa đảo trong thanh toán hay không. Ở bài học này Taobao express sẽ giới thiệu đến các bạn các phương pháp thanh toán quốc tế được sử dụng nhiều hiện nay và ưu nhược điểm của chúng

1, Phương thức thanh toán “Điện Chuyển Tiền”

Phương thức thanh toán Điện chuyển tiền là gì?

Phương thức thanh toán “Điện Chuyển Tiền” (T/T – Telegraphic Transfer) là hình thức thanh toán, trong đó một  khách hàng ( người trả tiền, người nhập khẩu, người mắc nợ … ) ủy nhiệm cho Ngân hàng trích tài khoản của khách hàng một số tiền nhất định chuyển cho một người khác (người bán, người xuất khẩu, chủ nợ … ) ở một địa điểm nhất định và trong một thời gian nhất định. Ngân hàng chỉ đóng vài trò trung gian trong chuyển và nhận tiền, chứ không có bất kì trách nhiệm nào trong việc hối thúc đối tác nhanh chóng thanh toán.

Đây là phương thức thanh toán nhanh, gọn và chi phí rất thấp

Phương thức thanh toán “Điện chuyển tiền” có 2 loại:

- Hình thức trả trước: Nhà nhập khẩu yêu cầu lệnh chuyển tiền vào ngân hàng của nhà xuất khẩu, rồi nhà xuất khẩu mới giao hàng và bộ chứng từ.

- Hình thức trả sau: Nhà nhập khẩu chỉ chuyển tiền sau khi đã nhận được hàng hóa và bộ chứng từ một cách đầy đủ mà không có vấn đề gì.

Quy trình thanh toán “điện chuyển tiền”

 quy trình thanh toán của phương thức điện chuyển tiền

Bước 1: Nhà xuất khẩu (có thể hiểu là người bán) giao hàng và gửi yêu cầu thanh toán tiền dựa theo bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu (có thể hiểu là người mua).

Bước 2: Nhà nhập khẩu kiểm tra bộ chứng từ , và kiểm tra tình trạng hàng hóa nếu không có vấn đề gì thì nhà nhập khẩu sẽ làm thông báo yêu cầu ngân hàng của mình chuyển tiền vào tài khoản của nhà xuất khẩu.

Bước 3: Sau khi ngân hàng chuyển tiền (ngân hàng của nhà nhập khẩu) kiểm tra tài khoản có đủ điều kiện hợp lệ cũng như khả năng thanh toán thì sẽ làm lệnh chuyển tiền đến ngân hàng của nhà xuất khẩu (ngân hàng thanh toán).

Bước 4: Khi nhận được tiền từ ngân hàng nhà nhập khẩu thì ngân hàng nhà xuất khẩu sẽ thanh toán bằng hình thức chuyển vào tài khoản của nhà xuất khẩu.

Ưu nhược điểm của phương thức Điện chuyển tiền (T/T)

Với bất kì phương thức thanh toán nào cũng đều có ưu và nhược điểm, và phương thức thanh toán “Điện chuyển tiền” cũng vậy:

- Ưu điểm:

+, Tốc độ thanh toán nhanh chóng

+, Tiết kiệm chi phí

- Nhược điểm:

+, Với phương thức thanh toán này chứa đựng rủi ro lớn nhất vì việc trả tiền phụ thuộc vào thiện chí của người mua đối với hình thức T/T trả sau, và giao hàng phụ thuộc vào thiện chí của người bán. Vì vậy, lưu ý là khi áp dụng phương thức thanh toán này, thì đối tác làm ăn phải thực sự uy tín và đáng tin tưởng, tốt nhất là đã hợp tác lâu dài và giao dịch rồi.

2, Phương thức thanh toán “Nhờ Thu”

Thanh toán Nhờ thu là phương thức trong đó nhà xuất khẩu ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ở người nhập khẩu dựa trên các công cụ thanh toán quốc tế bao gồm hối phiếu, kỳ phiếu thương mại, séc quốc tế, hóa đơn thu tiền.

Hiện nay Phương thức thanh toán “Nhờ thu” bao gồm nhờ thu trơn và nhờ thu kèm chứng từ, Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn 2 loại này nhé:

Phương thức thanh toán nhờ thu trơn

Nhờ thu trơn là phương thức thanh toán mà nhà xuất khẩu sẽ yêu cầu ngân hàng thu hộ tiền dựa trên cơ sở hối phiếu còn bộ chứng từ sẽ được gửi thẳng cho nhà nhập khẩu. Vì vậy phương thức thanh toán nhờ thu trơn hiện nay không được sử dụng nhiều, bơi nó hoàn toàn bất lợi cho nhà xuất khẩu.

Quy trình thanh toán nhờ thu trơn:

quy trình thanh toán của phương thức nhờ thu trơn

Bước 1: Nhà xuất khẩu giao hàng và gửi bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu

Bước 2: Nhà xuất khẩu làm lệnh yêu cầu ngân hàng nhờ thu (ngân hàng của nhà xuất khẩu) để thu hộ tiền dựa trên hối phiếu do mình phát hàng.

Bước 3: Ngân hàng nhờ thu gửi lệnh và hối phiếu cho ngân hàng của nhà nhập khẩu (ngân hàng thu hộ) để thu hộ tiền từ nhà nhập khẩu.

Bước 4: Ngân hàng thu hộ gửi hối phiếu và thông báo lệnh nhờ thu tới nhà nhập khẩu

Bước 5: Người nhập khẩu chấp nhận thanh toán

Bước 6: Ngân hàng thu hộ chuyển tiền cho ngân hàng nhờ thu

Bước 7:  Ngân hàng nhờ thu chuyển tiền cho người xuất khẩu

LƯU Ý: Về cơ bản thì hình thức thanh toán này gần giống với điện chuyển tiền trả sau, nhưng tốc độ thanh toán thì chậm hơn và chi phí cũng cao hơn.  

Hình thức này hiện nay không còn được sử dụng nhiều nữa vì nó gây bất lợi cho nhà xuất khẩu. Nhà nhập khẩu có thể thanh toán chậm hoặc dựa vào đó mà ép giá xuống.

Vì vậy chỉ nên áp dụng với những đối tác đã làm ăn lâu dài và thực sự tin tưởng.

Phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ

Nhờ thu kèm chứng từ là phương thức mà nhà xuất khẩu giao hàng nhưng không giao bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu luôn thay vào đó là gửicho ngân hàng, sau đó ngân hàng yêu cầu nhà nhập khẩu thanh toán ngay hoặc chấp nhận thanh toán với khoản tiền nhất định thì Ngân hàng mới giao bộ chứng từ để nhận hàng.

Quy trình thanh toán nhờ thu kèm chứng từ giống với quy trình thanh toán nhờ thu trơn, khác ở chỗ

  • Bước 2: Người xuất khẩu nhờ ngân hàng nhờ thu thu hộ tiền dựa trên bộ chứng từ và hối phiếu do mình phát hành, và đương nhiên phải đưa cho ngân hàng bộ chứng từ hàng hóa.
  • Bước 6: Ngân hàng thu hộ chuyển tiền cho ngân hàng nhờ thu và giao bộ hồ sơ chứng từ cho người nhập khẩu đi lấy hàng. Nên người nhập khẩu muốn lấy được hàng hóa thì bắt buộc phải thanh toán.

Ưu nhược điểm của phương thức thanh toán nhờ thu

Ưu điểm:

  • Thường được sử dụng phổ biến hơn trong thanh toán, phương thức nhờ thu thường được dùng khi: hai bên thực sự tin tưởng lẫn nhau, người mua có khả năng và sẵn sàng thanh toán, điều kiện kinh tế chính trị của nước người mua ổn định, chính phủ nước người mua không có những biện pháp kiểm soát ngoại hối.
  • Sử dụng phương thức nhờ thu kèm chứng từ quyền lới của tổ chức xuất khẩu có được đảm bảo hơn không bị mất hàng nếu bên nhập không thanh toán, vai trò của ngân hàng được nâng cao thêm trách nhiệm.
  • Chỉ thị nhờ thu là văn bản mang tính chất pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa các bên tham gia nghiệp vụ có sự ràng buộc lẫn nhau.

Nhược điểm:

- Phương thức nhờ thu trơn rất ít được áp dụng trong thanh toán tiền hàng vì không đảm bảo quyền lới cho cả hai bên nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.

- Phương thức nhờ thu kèm chứng từ thì việc thu tiền của nhà xuất khẩu vẫn chưa chắc chắn. Tuy còn giữ quyền kiểm soát hàng hóa sau khi giao hàng nhưng nếu nhà nhập khẩu không nhận hàng, thì nhà xuất khẩu còn phải trả thêm phí lưu kho và chịu rủi ro như hỏng hóc, cháy nổ, ngập hàng hóa.

- Chi phí nhờ thu trả ngân hàng bên nào phải chịu? Trường hợp nếu không thu được, nhà xuất khẩu phải thanh toán chi phí cho cả 2 ngân hàng.

- Tốc độ thanh toán chậm, rủi ro cho bên xuất khẩu vẫn lớn hơn.

3. Phương thức thanh toán Thư tín dụng (Letter of credit – L/C)

Phương thức thanh toán Thư tín dụng là một sự thỏa thuận mà trong đó có một ngân hàng (ngân hàng mở thư tín dụng) đáp ứng những nhu cầu của khách hàng (người xin mở thư tín dụng); cam kết hay cho phép ngân hàng khác chi trẻ hay chấp thuận những yêu cầu của người hưởng lợi khi những điều kiện được quy định trong thư tín dụng được thực hiện đúng và đầy đủ

Thư tín dụng: Là một văn bản do một ngân hàng phát hành theo yêu cầu của người nhập khẩu (người xin mở thư tín dụng) cam kết trả tiền cho người xuất khẩu một khoản tiền nhất định trong một thời gian nhất định.

Đây là phương thức thanh toán khá an toàn cho cả người bán và cả người mua, được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới hiện nay.

Quy trình phương thức thanh toán thư tín dụng:

quy trình thanh toán thư tín dụng L/C

Bước 1: Hai bên ký kết hợp đồng và quy định phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C)

Bước 2: Người nhập khẩu sẽ yêu cầu ngân hàng của mình phát hàng L/C, Vậy tại sao lại là người nhập khẩu yêu cầu chứ không phải là người xuất khẩu vì người trả tiền là người nhập khẩu chứ không phải người xuất khẩu.

Bước 3: Ngân hàng phát hành sẽ lập L/C và thông báo qua ngân hàng chi nhánh hoặc đại lý của mình tại nước người xuất khẩu để thông báo cho người xuất khẩu rằng có L/C.

Bước 4: Ngân hàng thông báo sẽ kiểm tra L/C và thông báo L/C cho người xuất khẩu

Bước 5: Người xuất khẩu sau khi kiểm tra L/C không vấn đề gì thì thực hiện việc giao hàng cho người nhập khẩu.

Bước 6: Sau khi giao hàng cho người nhập khẩu, người xuất khẩu trình bộ chứng từ cho ngân hàng phát hành để được thanh toán.

Bước 7: Sau khi ngân hàng phát hành kiểm tra thấy không vấn đề gì thì thực hiện thanh toán cho người xuất khẩu, các thủ tục giấy tờ đều hợp lệ.

Bước 8: Người nhập khẩu sẽ phải thanh toán tiền cho ngân hàng phát hành.

Bước 9: Ngân hàng trả bộ chứng từ cho người nhập khẩu để đi lấy hàng.

Ưu và nhược điểm của phương thức thanh toán bằng thư tín dụng.

Ưu điểm:

  • An toàn và đảm bảo quyền lợi cho cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu

Nhược điểm:

  • Phương thức thanh toán này tốn nhiều thời gian do phải thực hiện nhiều bước
  • Chi phí bảo quản hàng hóa ở cả hai cảng nhập khẩu và xuất khẩu lớn
  • Chi phí giao dịch với các ngân hàng cũng cao hơn 2 phương thức thanh toán bên trên.

Trên đây là 3 phương thức thanh toán quốc tế thông dụng mà Taobaoexpress giới thiệu, hi vọng sẽ hữu ích đối với các bạn.