Thủ Tục Thực Hiện Cấp C/O Ở Việt Nam

Lượt xem: 2115

Ở Việt Nam, hình thức cấp C/O được Bộ Công thương quy định rõ ràng về các chi tiết thực thi phù hợp với các doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp cần nắm được về Cơ quan cấp C/O; Thời điểm và thời gian cấp C/O; Bộ hồ sơ cấp C/O như thế nào?

1.Cơ quan cấp C/O

Cơ quan cấp C/O là những đơn vị có liên quan, quản lý trực tiếp đến việc cấp C/O cho loại hàng hóa đó.

Bộ Công thương là cơ quan quy định chi tiết việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức khác thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

  • Đối với C/O ưu đãi

+ Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực cấp đối với FTA, GSP (giầy dép)

+ Ban quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất cấp đối với C/O mẫu D

+ VCCI cấp đối với GSP (trừ giầy dép)

  • Đối với C/O không ưu đãi: VCCI
  • Đối với CNM: Được cấp bởi VCCI/ Phòng quảng lý xuất nhập khẩu khu vực

2.Thời điểm và thời gian cấp C/O

Đối với từng loại FTA thì việc cấp C/O cũng được áp dụng tương ứng.

  • ATIGA – Cấp trước hoặc vào thời điểm xuất khẩu hoặc không muộn quá 3 ngày.
  • AVFTA – Cấp trước hoặc tại thời điểm xuất khẩu hoặc sau 03 ngày
  • AKFTA – Cấp trước hoặc vào thời điểm hàng lên tàu hoặc không quá 03 ngày làm việc
  • AJCEP – Cấp trước thời điểm giao hàng hoặc không muộn hơn 03 ngày tính từ ngày giao hàng
  • AIFTA – Cấp vào thời điểm xuất khẩu hoặc trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày xuất khẩu
  • AANZFTA – Cấp trong thời gian sớm nhất, nhưng không quá 03 ngày làm việc tính từ ngày xuất khẩu
  • VJEPA – Cấp trước thời điểm giao hàng hoặc không chậm hơn 03 ngày, lấy ngày giao hàng làm mốc tính.
  • VKFTA – Cấp trước hoặc vào thời điểm hàng lên tàu hoặc trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hàng lên tàu.
  • VCFTA – Cấp trong thời gian sớm nhất,  nhưng không quá 03 ngày làm việc tính từ ngày xuất khẩu
  • VNEAEUFTA – Cấp trước hoặc tại thời điểm xuất khẩu

Trong trường hợp bên nhận được bộ hồ sơ C/O đầy đủ và hợp lệ thì sẽ được cấp ngay trong ngày

Nếu có các trường hợp cần thiết khác, thời hạn này có thể được kéo dài không quá 03 ngày. Nếu cần xác minh tại cơ sở sản xuất, cán bộ C/O sẽ thông báo trước cho Người xuất khẩu. Thời hạn xác minh không quá 07 ngày kể từ ngày tiếp nhận Hồ sơ

Thủ tục cấp C/O ở Việt Nam

3.Bộ hồ sơ đối với các doanh nghiệp lần đầu cầu C/O

Lập, nộp 1 bộ hồ sơ thương nhân cho Tổ chức cấp C/O đối với thương nhân đề nghị cấp C/O lần đầu. Hồ sơ thương nhân bao gồm:

  • Thông tin của thương nhân
  • Đăng ký mẫu chữ ký của người đại diện theo pháp luật của thương nhân hoặc người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ký Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và mẫu con dấu của thương nhân (Mẫu số 01 của Nghị định 31/2018/NĐ-CP);
  • Danh mục các cơ sở sản xuất của thương nhan (Mẫu số 02 của NĐ 31/2018/NĐ-CP);
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Đóng dấu sao y bản chính của thương nhân)
  • Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dẫu với cơ quan công an (nếu có)

Hồ sơ thương nhân được khai báo qua trang điện tử: comis.covcci.com.vn

Mọi thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được cập nhật tại trang điện tử: comis.covcci.com.vn. Trong trường hợp không có thay đổi, hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhật 2 năm một lần.

4. Hồ sơ xin cấp C/O

Bộ hồ sơ xin đề nghị cấp C/O bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ (theo Mẫu số 04 của Nghị Định 31/2018/NĐ-CP) và được khai báo qua trang điện tử: comis.covcci.com.vn;
  • Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng đã được khai hoàn chỉnh;
  • Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật không cần nộp bản sao tờ khai hải quan;
  • Bản sao hóa đơn thương mại (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
  • Bản sao B/L hoặc AWB hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn.
  • Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo Mẫu quy định;
  • Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo Mẫu quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác;
  • Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
  • Trong trường hợp cần thiết, Tổ cấp C/O của VCCI kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân; hoặc yêu cầu thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp bổ sung các chứng từ dưới dạng bản sao (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất); hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất); giấy phép xuất khẩu (nếu có); chứng từ, tài liệu cần thiết khác.